Khi các ‘ứng dụng’ cộng sinh

0
394
“Ngàn taxi sẵn sàng, trên ứng dụng ngân hàng và ví VNPay” – nếu một ngày bạn bắt gặp những biển quảng cáo có những dòng chữ như này trên đường phố thì đừng quá ngạc nhiên, bởi đây là một xu hướng mới của các nền tảng đa dịch vụ: Cộng sinh cùng phát triển.
Tính năng đặt xe taxi trên VNPay. (Ảnh: VNPay).
Các nền tảng đa dịch vụ thường được gọi là siêu ứng dụng – cung cấp vô số nhu cầu của người tiêu dùng chỉ trên nền tảng duy nhất. Điển hình trong câu chuyện này là WeChat – ứng dụng làm mọi thứ của người dân Trung Quốc.
WeChat vô cùng phổ biến tại đất nước tỷ dân. Người lái xe taxi, bán rau hay thậm chí cả ăn xin tại Trung Quốc cũng sử dụng WeChat bởi người ta có thể nhắn tin, thanh toán, mua sắm, trả hoá đơn, hẹn hò, đặt xe, lướt mạng xã hội, … ngay trên một ứng dụng.
Sau thành công của WeChat, nhiều công ty cũng ôm ấp tham vọng trở thành siêu ứng dụng. Tại Việt Nam, không khó để kể tên những thương hiệu đi theo chiến lược này như Zalo, MoMo, VNPay, Grab, Be,…
Những nền tảng này tham gia cung cấp một số dịch vụ chính như ví điện tử, nhắn tin, gọi xe,… Tuy nhiên sau rất nhiều năm phát triển, đến nay động lực chính để tăng trưởng không còn lớn, các ứng dụng đang có xu hướng bắt tay nhau để tận dụng nền tảng, cơ sở dữ liệu, người dùng,… của nhau, từ đó gia tăng các giá trị và tạo thêm doanh thu.
Với hơn 30 triệu người dùng và chiếm tới 68% thị phần ví điện tử tại Việt Nam, theo báo cáo quý I của Decision Lab, thì dư địa để MoMo tiếp tục gia tăng thị phần trong thời gian tới là không lớn.
WeChat thành công ở Trung Quốc tạo cảm hứng cho các ứng dụng khác. (Ảnh: Bloomberg)
Do đó, bài toán đặt ra cho MoMo là làm thế nào để 30 triệu người dùng hiện tại sử dụng ví điện tử thường xuyên, tăng tần suất mở app và giao dịch, qua đó giúp gia tăng doanh thu. Để giải bài toán này, cuối tháng 7 vừa qua, MoMo đã bắt tay với Gojek để đưa tính năng đặt đồ ăn trực tuyến lên nền tảng.
Với sự hợp tác này, người dùng MoMo có thể sử dụng tính năng GoFood của Gojek để đặt đồ ăn mà không cần rời nền tảng. Người dùng có thể sử dụng các chức năng như theo dõi đơn hàng, kiểm tra lịch sử đơn hàng,… dùng tính năng GoFood trên MoMo.
Phía MoMo cho biết ngoài tận dụng hàng chục nghìn đối tác nhà hàng của Gojek, việc kết hợp này còn mang lại cho người dùng trải nghiệm đặt món và thanh toán nhanh chóng, xuyên suốt và liền mạch trên chỉ một ứng dụng.
Năm ngoái, tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, ông Nguyễn Bá Điệp – đồng sáng lập MoMo, thừa nhận: “Một ứng dụng chỉ có chức năng thanh toán riêng thì khó phát triển tại Việt Nam. Do đó, chúng tôi xây dựng siêu ứng dụng đa nền tảng, cung cấp đa tiện ích cần thiết cho cuộc sống như thanh toán, mua bán tất cả dịch vụ, ăn uống, đi lại, vui chơi giải trí, đặt phòng khách sạn, chuyển tiền”.
Về phía Gojek, nền tảng này cho biết khi hợp tác với MoMo sẽ giúp người tiêu dùng tiếp cận các dịch vụ trong hệ sinh thái của công ty một cách thuận tiện hơn. Thay vì tự mình phát triển tập khách hàng thì Gojek có thể hưởng lợi từ hơn 30 triệu người dùng hiện hữu của MoMo.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa với hãng gọi xe này trong bối cảnh thị trường giao đồ ăn trực tuyến ở Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD vào năm ngoái, theo Momentum Works. Đồng thời, giúp công ty có trụ sở tại Indonesia cạnh tranh với lượng người dùng đông đảo từ các nền tảng đối thủ như Be hay Grab.
Gojek kết hợp MoMo. (Ảnh: MoMo).
Trước MoMo và Gojek, hình thức cộng sinh giữa các nền tảng đã xuất hiện tại Việt Nam đầu tiên từ cái bắt tay giữa CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) – đơn vị sở hữu hãng taxi Xanh SM, và nền tảng ứng dụng đa dịch vụ Be Group.
Theo thoả thuận, Be Group sẽ hợp tác chia sẻ nền tảng gọi xe với GSM. Khách hàng gọi xe trên nền tảng của Be Group có thêm lựa chọn dịch vụ taxi điện, bên cạnh các dịch vụ beCar và beTaxi hiện có. Như vậy, thay vì phải tải ứng dụng riêng, những khách hàng đang sử dụng Be hoàn toàn có thể chuyển đổi sang dùng taxi do GSM cung cấp.
Be Group cho biết ứng dụng của họ có 20 triệu lượt tải xuống với hơn 10 triệu lượt giao dịch thường xuyên hàng tháng trên nền tảng. Ngoài gọi xe, Be còn cung cấp các dịch vụ như giao hàng, giao đồ ăn, mua sắm nhu yếu phẩm, bảo hiểm, dịch vụ viễn thông và ngân hàng số,…
Tập khách hàng đa dạng cùng nhu cầu sử dụng ứng dụng cao giúp hãng taxi mới thành lập như GSM tiếp cận ngay được với lượng người dùng sẵn có.
Ngoài ra, với kinh nghiệm vận hành nền tảng gọi xe, thông qua ứng dụng Be, GSM sẽ tiết kiệm được chi phí phát triển như bán hàng và chăm sóc khách hàng – kết nối người dùng với tài xế.
Be Group hợp tác với GSM. (Ảnh: GSM).
Về phía Be Group, việc tích hợp GSM vào ứng dụng gọi xe Be sẽ giúp công ty gia tăng thị phần gọi xe, tăng lượng người sử dụng ứng dụng thường xuyên, qua đó các dịch vụ khác như ngân hàng số, giao hàng, đặt đồ ăn,… sẽ tiếp cận được lượng khách hàng lớn hơn, cuối cùng sẽ chuyển hoá thành doanh thu.
Theo thông tin từ Be, sau giai đoạn đầu hợp tác với GSM, hãng ghi nhận nhiều tín hiệu đáng mừng. Chẳng hạn, tổng số chuyến taxi điện tăng trưởng liên tục và hiện chiếm 6% tổng số chuyến xe ô tô trên nền tảng Be mỗi tháng (cao hơn mức trung bình 2-5% của các nền tảng gọi xe công nghệ toàn cầu khác). Do đó, vào ngày 20/9 vừa qua, Be Group tiếp tục ra mắt dịch vụ đặt xe Xanh SM Bike tại Hà Nội đánh dấu bước tiến tiếp theo trong việc hợp tác với GSM.
Tương tự, từ đầu năm nay, gần 40 hãng taxi truyền thống, trong đó có những đơn vị đã phát triển ứng dụng đặt xe riêng, cùng hợp tác với VNPay. Việc hợp tác này cho phép các hãng taxi khai thác nhu cầu từ 25 triệu khách hàng đang sử dụng ứng dụng ví VNPay.
Bằng cách này, các hãng Mai Linh, G7, Thăng Long, Thủ Đô, Thanh Nga, Sun,… có thể mở rộng thị phần ngay trên ứng dụng ngân hàng và ví điện tử VNPay thông qua tính năng gọi taxi. Khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ taxi truyền thống mà không cần tải thêm ứng dụng thứ ba, chỉ cần vào ứng dụng ví điện tử chọn tính năng gọi taxi là có thể đặt xe và thanh toán.
Đây được xem là những nỗ lực giúp các hãng taxi truyền thống giành lại thị phần.
Không nằm ngoài mục tiêu tiếp cận và khuyến khích khách hàng sử dụng nền tảng nhiều hơn, giúp tăng doanh thu và gắn bó của người dùng vào hệ sinh thái, Vietcombank và VietinBank cũng đã tích hợp thêm dịch vụ gọi taxi trên ứng dụng và thanh toán qua ứng dụng ngân hàng số.
Trên thế giới, các mô hình hợp tác như này là không hiếm. Tại thị trường Singapore và Campuchia, ứng dụng giao đồ ăn Foodpanda đã ký kết hợp tác chiến lược với ứng dụng gọi xe Tada để cùng hoạt động. Hay như Grab đã làm việc với các ứng dụng Trung Quốc WeChat, AliPay và ở Hàn Quốc là ứng dụng gọi xe Kakao T để khách có thể đặt xe khi đến những nước này thông qua một nền tảng duy nhất. Đây được xem là những nỗ lực của Grab và Foodpanda nhằm mở rộng thị phần.
Theo ông Vinit Choudhary, Founder kiêm CEO OrangeMantra (công ty chuyên cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp với hơn 21 năm hoạt động), việc hợp tác giữa các nền tảng sẽ mở ra cơ hội bán chéo và bán thêm rất nhiều trong các siêu ứng dụng. Khi người dùng đã quan tâm đến một tính năng của ứng dụng, các nền tảng có thể giới thiệu thêm các dịch vụ liên quan khác một cách có chiến lược.
Ông Vinit Choudhary cho biết doanh số bán hàng có thể tăng lên đáng kể và sự phát triển của công ty có thể được thúc đẩy nhờ chiến lược tích hợp này.
“Bằng cách tập hợp nhiều nhà cung cấp dịch vụ trong hệ sinh thái của họ, các siêu ứng dụng sẽ thúc đẩy sự đổi mới và hợp tác. Các doanh nghiệp có thể tiếp cận các thị trường mới với rào cản gia nhập thấp hơn bằng cách sử dụng cơ sở người dùng hiện tại của siêu ứng dụng”, vị CEO này chia sẻ.
Có thể thấy, hiện nay việc gắn bó, tận dụng tối đa lợi thế của nhau để tiếp cận khách hàng, gia tăng thị phần và doanh thu của các nền tảng đang trở thành một xu thế thay vì tập trung phát triển một siêu ứng dụng như WeChat. Với người tiêu dùng, đây là một động thái có lợi khi họ có thể tiếp cận vô số dịch vụ dù đang ở trong bất kỳ ứng dụng nào và ở bất cứ đâu.

Nguồn: vietnambiz.vn