Nâng cao hiểu biết tài chính tại Việt Nam

0
20

Hiện nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về hiểu biết tài chính, nhiều cách đánh giá mức độ hiểu biết tài chính sử dụng trong nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế. Khung đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) được nhiều nhà nghiên cứu lựa chọn. Dựa vào kết quả nghiên cứu của các tác giả cho thấy, mức độ hiểu biết tài chính tại Việt Nam còn thấp về kiến thức tài chính, thái độ tài chính và hành vi tài chính. Qua nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị về xây dựng chiến lược giáo dục tài chính, phát triển hoạt động truyền thông về giáo dục tài chính, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính nhằm nâng cao hiểu biết tài chính tại Việt Nam.

Hiểu biết tài chính

Tại Việt Nam, hiểu biết tài chính có một số cách gọi khác như kiến thức tài chính hoặc dân trí tài chính và có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo Remund (2010), hiểu biết tài chính là đại lượng dùng để đo lường sự hiểu biết về các khái niệm cơ bản về tài chính và có khả năng quản lý tài chính cá nhân thông qua việc đưa ra các quyết định hợp lý trong ngắn hạn một cách có cơ sở, lập kế hoạch tài chính dài hạn, sống có trách nhiệm, quan tâm tới cuộc sống và thay đổi về điều kiện kinh tế.

Ngoài ra, hiểu biết tài chính còn được hiểu là khả năng nội tại của các cá nhân và hộ gia đình trong việc đưa ra các quyết định tối ưu về tài chính trong các điều kiện và môi trường kinh tế – xã hội (WB, 2013). Theo OECD (2013), hiểu biết tài chính là tổng hợp nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi tài chính cần thiết có thể đưa ra các quyết định tài chính lành mạnh và cuối cùng đạt được lợi ích tài chính.

Để đánh giá mức độ hiểu biết tài chính của 30 nước, OECD/INFE (2016) đã đưa ra 3 yếu tố trong bảng câu hỏi khảo sát gồm: (1) Kiến thức tài chính; (2) Hành vi tài chính; (3) Thái độ về việc lập kế hoạch tài chính dài hạn. Kiến thức tài chính là hiểu biết của cá nhân đó về các khái niệm, thuật ngữ tài chính, tổ chức hoạt động các tổ chức tài chính cũng như sản phẩm tài chính như: Lãi suất, lạm phát, trái phiếu, cổ phiếu, ngân hàng, tổ chức tín dụng… Hành vi tài chính là quyết định lựa chọn sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính hoặc không sử dụng khi cân nhắc với tình hình tài chính và mức độ an toàn tài chính tùy thuộc điều kiện kinh tế cá nhân, gia đình và nền kinh tế.

Thái độ tài chính cho biết thái độ của cá nhân đối với tiền và lập kế hoạch trong tương lai, nhận biết được phong cách quản lý tiền là “sống cho ngày hôm nay và để ngày mai tự lo liệu” hay để dành tiền trong dài hạn cho tương lai. Hiện nay, nhiều nghiên cứu trong nước và trên thế giới dựa vào thang đo này của OECD để đánh giá mức độ Hiểu biết tài chính trong các báo cáo, các nghiên cứu. Tác giả lựa chọn thang đo này để đánh giá mức độ Hiểu biết tài chính tại Việt Nam.

Thực trạng hiểu biết tài chính tại Việt Nam

Theo kết quả một số nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam: Mức độ hiểu biết tài chính Việt Nam còn thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chỉ số hiểu biết tài chính của Việt Nam xếp hạng 12/16, 11/16 và 16/17 theo Master Card Financial khảo sát trong giai đoạn 2013-2015 (Trần Thanh Thu và Đào Hồng Nhung, 2020). Kết quả điều tra của OECD cho thấy, chỉ số hiểu biết tài chính Việt Nam đạt 11,6 điểm chỉ cao hơn Campuchia, thấp hơn một số nước khu vực Đông Nam Á (Bảng 1).

Bảng 1: Mức độ hiểu biết tài chính tại một số quốc gia châu Á

Quốc gia

Kiến thức

Hành vi

Thái độ

Tổng

HongKong

5,8

6,0

2,7

14,5

Hàn Quốc

5,4

5,7

3,2

14,3

Thái Lan

3,9

5,8

3,1

12,8

Maylaysia

3,6

5,7

3,0

12,3

Campuchia

3,5

5,2

2,8

11,5

Việt Nam

3,6

5,0

3,0

11,6

Nguồn: Trần Thanh Thu và Đào Hồng Nhung (2020)

Kết quả khảo sát về sự hiểu biết toàn cầu của Standard và Poor’s Ratings Survices (S&P Global Finlit Survey) chỉ ra mức độ hiểu biết tài chính Việt Nam thấp chỉ đạt tỷ lệ 24% người trưởng thành có hiểu biết tài chính, đứng thứ 118/144 quốc gia được khảo sát (Leora Klapper và đồng sự). Kết quả khảo sát OECD cho thấy, số người thiết lập ngân sách và thực hiện quản lý chi tiêu chỉ chiếm 33%, số doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vay vốn chính thức chiếm 30%. Sinh viên tại các trường đại học TP. Hồ Chí Minh có đến 47% đánh giá không có kiến thức tài chính, đối với người trưởng thành có kinh nghiệm làm việc khoảng 5 năm chỉ số Hiểu biết tài chính ở mức trung bình 2,4/5 điểm, phần lớn dân cư không làm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính thì những khái niệm cơ bản về tài chính còn lạ lẫm (OECD).

Nguyễn Thị Hải Yến (2017) nhận định mức độ Hiểu biết tài chính sinh viên cao đẳng, đại học Việt Nam nhận định còn ở mức thấp, ở mức rất cơ bản, đặc biệt sinh viên không theo học ngành kinh tế. Trần Thanh Thu và Đào Hồng Nhung (2020), chỉ ra số học sinh tiêu toàn bộ số tiền mình có chiếm gần 9%, chỉ khoảng 17% số học sinh sử dụng một phần tiền và biết cách tiết kiệm.

Theo kết quả điều tra về sinh viên tại các trường đại học TP. Hồ Chí Minh có 47% đánh giá không có kiến thức tài chính, đối với người trưởng thành có kinh nghiệm làm việc khoảng 5 năm chỉ số hiểu biết tài chính ở mức trung bình 2,4/5 điểm, phần lớn dân cư không làm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính thì những khái niệm cơ bản về tài chính còn lạ lẫm (OECD, 2016). Đỗ Thu Hương (2017) nhận định, người Việt Nam trưởng thành (trên 30 tuổi) có việc làm và thu nhập cao hơn mức trung bình thì kỹ năng tài chính tốt hơn các nhóm khác vì nhóm này có cơ hội trải nghiệm nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính và cơ hội đầu tư, tích lũy cho kế hoạch hưu trí, được giáo dục tài chính hoặc học đại học.

Đánh giá hiểu biết tài chính tại vùng nông thôn Việt Nam, nghiên cứu của Khúc Thế Anh và đồng sự (2018) cho thấy, tại Việt Nam, nhóm tuổi từ 41 tuổi trở lên có hiểu biết tài chính cao hơn nhóm 18-25 tuổi, nhóm tuổi từ 26-40 tuổi chỉ số Hiểu biết thấp nhất do sinh sống nông thôn, lao động làm nghề nông từ nhỏ nên kiến thức tài chính hạn chế.

Có nhiều chương trình tài chính được tổ chức từ các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán như: Chương trình “Junior Achievement More than Money” được thí điểm ở trường tiểu học của HSBC Việt Nam, Chương trình tư vấn tài chính “Think it through, sign it wisely” của Home Credit cho người vay tiêu dùng, chương trình thí điểm tại các trường trung học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho 3000 học sinh và 300 cha mẹ từ năm 2009 – 2013 với nội dung giúp học sinh hiểu giá trị tiền, rủi ro, biết cách chi tiêu và lập kế hoạch tài chính cá nhân…

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện nhiều chương trình khác nhau như “Tiền khéo tiền khôn” trên kênh VTV3 và “Những đứa trẻ thông thái” chiếu trên VTV1 nhằm thay đổi hành vi tài chính, hướng dẫn sử dụng dịch vụ thẻ và thanh toán, đảm bảo an toàn bảo mật và giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ tài chính (Trần Thanh Thu và Đào Hồng Nhung, 2020); Chương trình truyền hình “Tay hòm chìa khóa” với nhiều nội dung phong phú như: Hướng dẫn người dân sử dụng các sản phẩm tài chính ngân hàng, đặc biệt là thanh toán qua internet banking, mobile baking, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, hướng dẫn quy trình gửi tiết kiệm, vay vốn, tín dụng tiêu dùng, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức cho người dân, hạn chế tín dụng đen, tránh rủi ro cho người sử dụng dịch vụ tài chính.

Vụ truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp cùng Học viện Ngân hàng tổ chức cuộc thi “Hiểu đúng về tiền – Tài chính thông minh – Smart Money” cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học miền Bắc vào đầu năm 2021, nhằm cung cấp cho sinh viên có kiến thức tài chính, ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, sản phẩm tín dụng, tiết kiệm, chi tiêu, đầu tư, hạn chế tín dụng đen.

Các nghiên cứu về mức độ hiểu biết tài chính đều chỉ ra người dân Việt Nam hiểu biết về tài chính còn thấp. Nguyên nhân tình trạng này theo tác giả gồm: (1) Các chương trình giáo dục tài chính cá nhân mang tính tự phát cho từng nhóm đối tượng riêng lẻ, đào tạo theo nhu cầu, mục tiêu riêng từng tổ chức. Trong quá trình triển khai họ chú tâm đến việc truyền tải nội dung một số khái niệm tài chính cơ bản về tiết kiệm và chi tiêu hợp lý, đầu tư… chưa quan tâm đúng mức đến thái độ và hành vi tài chính; (2) Thói quen, tư tưởng trẻ em không nên tiếp xúc với tiền sớm sẽ dễ bị hư hỏng, ăn tiêu phung phí còn phổ biến đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa; (3) Việt Nam là nước nông nghiệp, tỷ lệ người sống nông thôn, vùng sâu vùng xa, đặc biệt là nhóm người nghèo, cận nghèo (nhóm người yếu thế) có thu nhập thấp nên nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính hạn chế nên kiến thức tài chính, kinh nghiệm sử dụng dịch tài chính ít ỏi, kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính hạn chế. (4) Chưa có nghiên cứu về hiểu biết tài chính Việt Nam một cách toàn diện và đầy đủ, chưa có khung đánh giá mức độ hiểu biết tài chính phù hợp đặc điểm Việt nam để đánh giá chính xác mức độ hiểu biết tài chính cho người Việt Nam.

Một số kiến nghị nâng cao hiểu biết tài chính tại Việt Nam

Để nâng cao hiểu biết tài chính tại Việt Nam, cần chú trọng triển khai các giải pháp sau:

Một là, xây dựng chiến lược giáo dục tài chính quốc gia. Đưa giáo dục tài chính vào các bậc học là cần thiết, kết hợp hài hòa nội dung lý thuyết ở trên lớp và sự hướng dẫn thêm người lớn khi ở nhà, giúp trẻ có thái độ và hành vi tài chính đúng đắn hơn, đặc biệt là đối với trẻ em dưới 15 tuổi.

Hai là, thúc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông về giáo dịch tài chính qua các kênh thông tin hiện đại như tổ chức game show truyền hình, youtube, trang mạng xã hội, các ấn bản in có hình ảnh minh họa với nội dung ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu để cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng sa, người dân trí thấp cũng có thể dễ dàng tiếp cận… để việc lan truyền có hiệu quả, toàn diện. Các nội dung cần truyền thông về kiến thức tài chính cơ bản như: Tiết kiệm, tính lãi suất, đầu tư, bảo hiểm, lạm phạt, cổ phiếu, trái phiếu,… hướng dẫn xây dựng kế hoạch tiết kiệm, lập kế hoạch ngân sách cá nhân và gia đình, hướng dẫn sử dụng tài khoản ngân hàng, giới thiệu sản phẩm dịch vụ tài chính đặc biệt sản phẩm mới mang tính chất công nghệ số, đánh giá lợi ích và rủi ro của từng loại sản phẩm dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, khu vực nông thôn thời gian lao động đồng áng chiếm phần lớn thời gian của họ cho nên khả năng tiếp cận với các kênh truyền thông qua truyền hình, internet bị hạn chế.

Ba là, thúc đẩy phát triển đa dạng hóa các tổ chức tài chính cung cấp sản phẩm tài chính, đa dạng kênh phân phối trải rộng khắp cả nước. Ứng dụng công nghệ số phải được khuyến khích phát triển, sáng tạo khi thiết kế sản phẩm, phân phối theo hướng đơn giản, chi phí thấp, dễ sử dụng, tiện lợi, mang tính phổ biến. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông, an ninh mạng giúp các giao dịch thuận lợi, an toàn. Tổ chức tài chính vi mô cần được quan tâm đúng mức và phát triển hệ thống, kênh phân phối sản phẩm dịch vụ tài chính ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tới nhiều tỉnh thành hơn nữa vì đối tượng khách hàng của tổ chức này là người yếu thế trong xã hội. Điều này giúp người dân có thể tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức, hạn chế vấn nạn tín dụng đen. Tuyên truyền và khuyến khích nhiều người sống vùng nông thôn, vùng xa không sử dụng internet, không có tài khoản ngân hàng, họ nên sử dụng dịch vụ tài chính qua điện thoại như Moblile Money.

Bốn là, thực hiện xây dựng bảng câu hỏi làm thanh đo đánh giá mức độ hiểu biết tài chính phù hợp Việt Nam dựa trên thang đo tổ chức OECD nhằm tìm hiểu đánh giá chính xác thực trạng hiểu biết tài chính cho người dân. Hiểu rõ thực trạng hiểu biết tài chính sẽ giúp nhà hoạch định chính sách tìm được giải pháp tốt nhất để đạt các mục tiêu tài chính toàn diện. Việc đánh giá mức độ hiểu biết tài chính của người dân Việt Nam cần được tiến hành hàng năm, làm cơ sở nhà lãnh đạo lên kế hoạch triển khai chương trình giáo dục tài chính phù hợp, đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

  1. Khúc Thế Anh và đồng sự (2018), Một số vấn đề về dân trí tài chính tại vùng nông thôn Việt Nam, Đại học Kinh tế quốc dân, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 – Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng;
  2. Trần Thanh Thu và Đào Hồng Nhung (2020), Chương trình giáo dục tài chính quốc gia trong bối cảnh số hóa ngành Tài chính: Kinh nghiệm và đề xuất cho Việt Nam. Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng, sô 221 tháng 10/2020 tr71-84;
  3. Do Thu Huong (2017), Financial Literacy and Retirement Planing in Vietnam, VNU Journal of Science: Policy and Management Studies, Vol. 33, No. 2 (2017) 61-72;
  4. Leora Klapper, Annamaria Lusardi and Peter van Oudheusden (2014), Financial Literacy around the World: Insight from the standard & poor’s ratings services global financial literacy survey, http://org.

Nguồn: tapchitaichinh.vn